Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phụ khoa rất phổ biến và gây tử vong cao hàng đầu ở phụ nữ hiện nay1. Trên toàn cầu mỗi năm có khoảng 270 ngàn bệnh nhân ung thư cổ tử cung tử vong. Tại Việt Nam, hàng năm có đến hơn 6 ngàn phụ nữ phát hiện bị ung thư cổ tử cung và cứ mỗi ngày thì có 9 phụ nữ chết vì căn bệnh này. Một số lý do dẫn đến tỉ lệ mắc bệnh UTCTC cao bao gồm số phụ nữ tham gia khám phụ khoa định kỳ để được tầm soát ung thư còn thấp, các chương trình tầm soát cũng chưa được bao phủ rộng, ý thức phòng bệnh ung thư cổ tử cung ở phụ nữ còn hạn chế do thiếu những chương trình tuyên truyền giáo dục.
Gánh nặng
Ung thư cổ tử cung có thể xảy ra với bất kỳ ai và đặc biệt, bệnh thường tấn công vào phụ nữ ở 35-40 4 tuổi trở đi. Đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng trong cuộc đời của một người phụ nữ với nhiều thiên chức lớn lao: làm vợ, làm mẹ, là người chăm sóc gia đình và hơn thế nữa, ở độ tuổi này phụ nữ cũng đồng thời đã tạo dựng được sự nghiệp của mình
Nhiều năm làm việc trong ngành sản phụ khoa, tiếp xúc với nhiều bệnh nhân, tôi nhận thấy những chị em bị ung thư cổ tử cung phải gánh chịu những ảnh hưởng lớn về thể chất và tinh thần. Ngay khi nhận một kết quả xét nghiệm bất thường hay chẩn đoán có những tổn thương tiền ung thư, chất lượng cuộc sống của người phụ nữ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng; tinh thần suy sụp và nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực; lo lắng về khả năng sống còn của bản thân, kèm theo những nỗi lo cho gia đình, tài chính, về khả năng chăm sóc con cái, khả năng mang thai và hạnh phúc gia đình khi điều trị. Đó là chưa kể những gánh nặng tâm lý mà toàn thể gia đình của bệnh nhân phải gánh chịu, cũng như gánh năng về tài chính khi mất nguồn thu nhập trong gia đình, phí tổn không nhỏ cho việc điều trị.
Nguyên nhân
Do virus HPV (Human Papillomavirus) gây ra. HPV rất dễ lây lan và hầu hết mọi phụ nữ đều có nguy cơ nhiễm phải. Trung bình cứ 10 phụ nữ thì có đến 8 người có thể từng một lần nhiễm HPV trong đời 2,3,4. Do đó quan niệm ung thư cổ tử cung không thể xảy đến với mình nên không cần những biện pháp phòng ngừa là sai lầm cần phải thay đổi.
HPV là nguyên nhân gây ra ung thư cổ tử cung
Không phải cứ nhiễm HPV là bị ung thư cổ tử cung. Nhiều chị em nhiễm HPV rồi tự hết mà không cần điều trị. Một số khác nhiễm lâu dài với những loại HPV có khả năng gây ung thư qua nhiều năm thì các tổn thương sẽ dần dần tiến triển ở cổ tử cung và trở thành ung thư. Những loại HPV gây ra ung thư cổ tử cung nhiều nhất là HPV 16, 18, 31, 45. 4 tuýp này là thủ phạm gây ra hơn 80% các ca ung thư cổ tử cung5.
Triệu chứng
Ung thư cổ tử cung không xảy ra đột ngột mà âm thầm trải qua các giai đoạn từ nhiễm HPV, đến những bất thường ở cổ tử cung, các tổn thương tiền ung thư rồi đến ung thư, kéo dài trung bình từ 10 – 15 năm. Đặc biệt giai đoạn tiền ung thư hầu như không có triệu chứng gì, do đó chị em không nhận biết mình mắc bệnh nếu không đi khám phụ khoa. Khi đã ở những giai đoạn muộn, bệnh nhân có những biểu hiện như ra huyết trắng có mùi hôi, có lẫn máu, chảy máu âm đạo sau giao hợp hoặc sau khi làm việc nặng dù không đang ở chu kì kinh nguyệt, hoặc nặng hơn có thể chảy dịch có lẫn máu ở âm đạo, kèm theo đau bụng, lưng, vùng chậu và chân. Nếu chị em thấy mình có bất kỳ dấu hiệu nào kể trên thì hãy đến gặp bác sĩ ngay. Không nên coi thường và bỏ qua những triệu chứng này. Khi các triệu chứng bị bỏ qua thì ung thư sẽ có thời gian để tiến triển đến những giai đoạn muộn hơn và việc điều trị sẽ càng khó khắn.
Phòng ngừa
Có 2 cách phòng ngừa là tiêm vắc xin để phòng nhiễm các tuýp HPV gây ung thư cổ tử cung và khám tầm soát ung thư cổ tử cung bằng phết tế bào cổ tử cung định kỳ cho những phụ nữ đã có quan hệ tình dục. Việc phòng ngừa đạt kết quả cao nhất khi kết hợp 2 phương pháp này.
Khám tầm soát thường qui cho mẹ, chủng ngừa HPV cho con để ngăn chặn ung thư cổ tử cung
Hiện nay tại Việt Nam đã có vắc xin ngừa những tuýp HPV gây ung thư phổ biến nhất, được tiêm cho phụ nự từ 10 đến 25 tuổi, kể cả người chưa và đã có quan hệ tình dục đều có thể tiêm. Bên cạnh đó những chị em đã có gia đình cần thực hiện khám phụ khoa và tầm soát bằng phương pháp phết tế bào cổ tử cung (PAP smear) định kỳ, ít nhất 1 năm/ 1 lần, để phát hiện kịp thời và có giải pháp điều trị ở những giai đoạn sớm của bệnh.
Theo dantri