Sau đây là một số kiến thức căn bản về bệnh ung thư vú.
1. Đây là là loại ung thư thường thấy nhất ở phụ nữ?
Theo thống kê, ung thư vú là một trong những ung thư thường thấy nhất ở nữ giới và gây tử vong hạng nhì sau ung thư phổi.
2. Đàn ông có bị ung thư vú không?
Ung thư vú ở đàn ông rất hiếm nhưng vẫn xảy ra với tỷ lệ 1%.
3. Những rủi ro đưa đến ung thư vú?
Mặc dù khoa học chưa tìm ra nguyên nhân chính xác nhưng một số yếu tố đã được nêu ra. Đó là:
– Tuổi càng cao càng dễ mắc. Thống kê cho hay 82% các trường hợp xảy ra ở phụ nữ trên 60.
– Nếu đã có ung thư một bên vú hoặc bệnh về vú thì vú bên kia cũng dễ bị ung thư;
– Nguy cơ tăng gấp đôi, nhất là trước khi mãn kinh, nếu mẹ, chị em gái, con gái hoặc thân nhân bị ung thư vú;
– Đột biến gene trong tế bào vú gây nguy cơ ung thư cơ quan này.
4. Các nguy cơ khác?
– Vai trò kích thích tố nữ estrogen kích thích sự tăng trưởng và phân chia tế bào, nên estrogen càng nhiều thì rủi ro ung thư càng cao. Vì thế có kinh nguyệt trước tuổi 12, chưa bao giờ có con hoặc có con sau tuổi 30, mãn kinh sau tuổi 50, dùng kích thích tố thay thế, thuốc viên ngừa thai trong nhiều năm đều tăng nguy cơ ung thư.
Lý do: cơ thể tiếp xúc với kích thích tố nữ estrogen trong thời gian lâu hơn.
– Đã điều trị ung thư khác bằng phóng xạ;
– Mập phì sau tuổi mãn kinh tăng rủi ro trong khi đó mập ở tuổi trung niên dường như giảm rủi ro ung thư vú.
– Tiêu thụ rượu làm tăng sản xuất estrogen do đó hơi tăng nguy cơ ung thư vú;
– Thực phẩm có nhiều chất béo, tiếp xúc với hoá chất diệt sâu bọ… làm tăng rủi ro ung thư vú;
– Ít vận động cơ thể ở tuổi thiếu niên cũng là một rủi ro.
– Tại Việt Nam, số ca ung thư vú nhiều thứ nhì sau ung thư cổ tử cung
– TP Hồ Chí Minh nhiều hơn Hà Nội, tỷ lệ là 2.000/1.521 ca. |
5. Làm gì để giảm thiểu nguy cơ?
Chúng ta không thay đổi được các rủi ro do di truyền hoặc gia đình, tuổi tác nhưng ta có thể thay đổi được nếp sống để giảm nguy cơ ung thư như:
– Ngưng thuốc lá; vận động cơ thể nhiều lần mỗi tuần; hạn chế uống rượu.
– Giới hạn thịt đỏ, giảm mỡ động vật dưới 30%; ăn nhiều rau trái cây có chất xơ.
– Giảm cân nếu quá mập nhất là sau thời kỳ mãn kinh.
– Nếu định có con, nên có con sớm và cho con bú sữa mẹ trong nhiều tháng.
– Tự khám nhũ hoa hàng tháng; chụp nhũ ảnh hàng năm nếu trên 40 tuổi.
– Nếu có thân nhân gần bị ung thư vú thì nên khám tổng quát thường xuyên hơn và hỏi ý kiến bác sĩ chuyên môn về thử nghiệm gene di truyền
6. Các triệu chứng của bệnh?
Ung thư vú có thể có một số dấu hiệu như: thay đổi cấu trúc vú với u cục cứng không đau, sưng, da dày lên, núm vú lẹm vào, nhăn nhúm, có vẩy, lở loét, đau hoặc chảy nước.
Chụp quang tuyến vú sẽ thấy hình dạng của vú không đều, có nhiều bóng mờ. Bác sĩ khám ngực thì thấy có u cục, hạch nổi lên ở nách, cổ vì ung thư lan ra.
7. Mammogram là gì, công dụng ra sao?
Mammogram là chụp X quang vú (XQV) để tìm ra những thay đổi trong cấu trúc của nhũ hoa mà khám tay không thấy được.
Chụp quang tuyến vú giúp ích khá nhiều vì có thể phát hiện sớm khoảng 80-90% ung thư với u nhỏ dưới 0,5 phân.
8. Khi nào thì phụ nữ phải chụp XQV?
Hội Ung thư Hoa Kỳ khuyên phụ nữ trên 40 tuổi, không có triệu chứng như không cục nhũ hoa, không tiết dịch núm vú, vẫn khoẻ mạnh… đều cần chụp nhũ ảnh X quang mỗi năm một lần.
Nghiên cứu cho hay chụp XQV giảm tử vong ung thư vú từ 20-30% so với không chụp. Chụp quang tuyến vú không gây ung thư vì lượng phóng xạ dùng rất ít, hầu như không có nguy cơ độc hại.
9. Phải sửa soạn gì trước khi chụp XQV?
Không nên làm XQV một tuần trước khi có kinh; không nên thoa phấn, kem trên da để hình X quang khỏi bị lu mờ.
10. Khi chụp QTV mà có dấu hiệu bất thường, phải làm gì?
Bác sĩ có thể làm siêu âm, chụp cắt lớp, sinh thiết tế bào vú để xác định bệnh.
BS Nguyễn Ý Đức
Theo Sài Gòn tiếp thị