Tạp chí “sức khỏe gia đình” xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc nội dung cuộc phòng vấn với BSCKII Bùi Sương, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, thành viên Ban cố vấn Vietlife về nhiễm độc thai nghén là một bệnh lý thường gặp ở các bà mẹ mang thai.
1. Thưa Bác sỹ, thế nào là nhiễm độc thai nghén?
Nếu chia thời kỳ thai nghén 40 tuần làm 3 giai đoạn: 14 tuần đầu, 12 tuần giữa, 14 tuần cuối thì nhiễm độc thai nghén thường xảy ra vào 14 tuần đầu và 14 tuần cuối, 12 tuần giữa là giai đoạn thích nghi tốt nhất giữa thai và người mẹ.
Nhiễm độc thai nghén trong giai đoạn đầu gọi là hiện tượng bệnh lý sớm, thường hay có những biểu hiện như: nôn, buồn nôn, tiết nước bọt…
Nhiễm độc thai nghén trong giai đoạn cuối gọi là hiện tượng bệnh lý muộn, gồm hội chứng protein niệu, hội chứng tiền sản giật và sản giật, hội chứng rau bong non.
2. Vì sao lại bị nhiễm độc thai nghén?
Có nhiều nguyên nhân gây nhiễm độc thai nghén. Có nhiều nguyên nhân vẫn chưa tìm hiểu được hết, nhưng nhiễm độc thai nghén thường gặp nhất là chửa trứng, sinh đôi, thần kinh không ổn định. Nhiễm độc thai nghén còn có thể do những bệnh lý đã có sẵn, như loét dạ dày – tá tràng, cường giáp trạng, viêm thận mạn tính, cao huyết áp, v.v
Có thể kể đến một số yếu tố thuận lợi làm nhiễm độc thai nghén dễ xảy ra hơn như ở người mẹ trẻ, người con so nhiều hơn con rạ, hay xảy ra vào mùa rét, ẩm thấp, hay xảy ra đối với các bà mẹ làm việc quá sức, mệt mỏi liên tục hoặc sau khi ăn những thức ăn lạ, thức ăn gây dị ứng.
3. Các biểu hiện của nhiễm độc thai nghén:
Nghén nhẹ thường không nguy hiểm, như buồn nôn, nôn nhiều vào buổi sáng, vào bữa ăn hay sau bữa ăn, tiết nhiều nước bọt khiến thai phụ hay nhổ vặt, ăn ít, chán cơm, thèm ăn vặt, dễ xúc động, thay đổi tính tình. Các hiện tượng như đôi khi hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh, khó thở hay chuột rút cũng có thể coi là nhiễm độc thai nghén nhẹ.
Nghén nặng ảnh hưởng rất nhiều đến thai phụ, điều trị khó khăn. Có những trường hợp nặng quá thai phụ không thể chịu được phải yêu cầu phá thai.
Những trường hợp nặng có thể bắt đầu từ nôn nhẹ, cũng có thể nặng đột ngột và chia làm 3 thời kỳ: Thời kỳ nôn mửa là thời kỳ thai phụ nôn rất nhiều, nôn ra “mật xanh, mật vàng”. Thai phụ lúc này hay bị táo bón và đái ít, toàn thân gầy mòn, hốc hác, xanh xao nhanh chóng. Tiếp theo là thời kỳ suy dinh dưỡng, khi thai phụ gầy mòn nhanh chóng, có khi chỉ còn da bọc xương, nhịp tim nhanh đái ít. Cuối cùng là thời kỳ biến chứng thần kinh khi thai phụ trở lên mệt mỏi, hốt hoảng, hôn mê, liệt, co giật, nhịp thở nhanh, mạch nhanh, … Nếu không được chăm sóc tốt và can thiệp kịp thời thai phụ có thể chết trong tình trạng gầy mòn, hôn mê hay trụy tim mạch.
4. Xin Bác sỹ cho biết nghén ảnh hưởng thế nào đến thai nhi?
Nghén nhẹ không nguy hiểm đến thai phụ hay thai nhi, và thường sẽ hết vào cuối tháng thứ 3.
Nghén nặng có thể gây hại nếu triệu chứng xảy ra nhiều và không được điều trị, vì có khả năng thiếu dinh dưỡng và rối loạn về cân bằng nước và điện giải trong cơ thể. Với thai nhi có ảnh hưởng xấu, thường phải phá thai hay có thể dẫn đến thai chết lưu. Với thai phụ nếu không được điều trị sẽ nguy hiểm đến tính mạng do rối loạn nước và điện giải và suy dinh dưỡng nặng. Vì vậy việc thăm khám và tư vấn bác sỹ là điều rất quan trọng khi có những biểu hiện nghén nặng.
5. Bác sỹ có thể cho biết cách điều trị nhiễm độc thai nghén như thế nào?
Phòng bệnh rất quan trọng và có thể giúp cho thai phụ không bị bệnh, nếu bị bệnh thì bệnh tiến triển không nặng mà giảm dần.
Việc thai phụ đăng ký quản lý thai nghén, thường xuyên khám thai đúng lịch hẹn và làm các xét nghiệm máu, thử nước tiểu, xét nghiệm sàng lọc trước sinh và siêu âm chẩn đoán hình ảnh đúng các giai đoạn đặc biệt của thai kỳ là điều rất cần thiết. Khi đã xác định nhiễm độc thai nghén hay các bệnh lý khác, thai phụ phải được theo dõi và điều trị theo đúng chỉ định của thầy thuốc, nếu bệnh nặng phải được điều trị tại bệnh viện.