Ngọc Ánh: Thưa giáo sư, tôi đã đi kiểm tra và không bị loãng xương, nhưng tôi sắp bước vào tuổi mãn kinh. Xin tư vấn cho tôi về những phương pháp tập luyện, sinh hoạt, ăn uống… để tôi có thể tránh khỏi nguy cơ loãng xương?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Ở độ tuổi của bạn, cứ 10 người thì có 2 người bị loãng xương. Do đó, khó nói ai sẽ bị và ai sẽ không bị loãng xương; chúng ta chỉ có thể nói “nguy cơ” cao hay thấp mà thôi. Nguy cơ cao tùy thuộc vào yếu tố nguy cơ mà bạn có, chẳng hạn như thiếu canxi, từng có tiền sử bị gãy xương, mẹ hay chị/em của bạn gãy xương, trọng lượng thấp, chiều cao suy giảm, v.v…
Do đó, những gì bạn có thể làm được để giảm nguy cơ mắc bệnh là duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh (đủ canxi và chất đạm), thường xuyên tập thể dục (rất quan trọng), bỏ hút thuốc lá (nếu đang hút), tránh rượu bia, và duy trì trọng lượng ở mức vừa phải.
Nhiều người nghĩ rằng xương là một mô cố định, nhưng suy nghĩ này không đúng. Xương là một mô năng động, hiểu theo nghĩa các tế bào trong xương liên tục làm việc trong suốt quãng đời sống của chúng ta.
Cho nên phòng chống loãng xương và gãy xương là một việc làm lâu dài. Ở bất cứ độ tuổi nào cũng có thể áp dụng các biện pháp như vừa kể.
Le Tu: Tôi bị loãng xương cần phải uống sữa, tuy nhiên tôi lại không thể uống được sữa do tiêu hóa kém. Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi cần chế độ dinh dưỡng thế nào và tôi có nên giảm cường độ vận động không? Tôi không biết đi xe nên thường xuyên đi bộ.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Theo tôi biết ở trong nước có nhiều trường hợp tin là “loãng xương”, nhưng lại dựa vào kết quả siêu âm hay các phương pháp khác vốn không phải sử dụng cho chẩn đoán loãng xương. Vì thế, có lẽ câu hỏi là bạn đã đi đo mật độ xương chưa, và nếu đã làm thì kết quả ra sao.
Có nhiều người châu Á chúng ta không uống được sữa [bò] tươi, nhưng có thể uống sữa đậu nành, và sữa đậu nành cũng là một nguồn canxi. Một ly sữa đậu nành chứa khoảng 175 mg canxi (còn 1 ly sữa bò chứa khoảng 270 mg canxi).
TT. Duy: Tôi nghe nói bệnh này chỉ có khi người ta về già là nhiều. Tôi thường bị đau nhức ở xương cột sống, vai (dù tôi còn rất trẻ), vậy tôi có bị bệnh loãng xương không?
Ông Nguyễn Văn Tuấn là giáo sư y khoa thuộc Đại học New South Wales, Sydney, Úc, và là chuyên gia cấp cao và trưởng nhóm nghiên cứu về loãng xương và di truyền thuộc Viện nghiên cứu Garvan, Úc. Lĩnh vực nghiên cứu chính của ông là di truyền học dịch tễ học, và các yếu tố nguy cơ gãy xương. Ông là tác giả của hơn 170 công trình nghiên cứu y khoa liên quan đến loãng xương và nội tiết học trên các tập san danh tiếng trên thế giới Nature, Science, New England Journal of Medicine, JAMA, Annals of Internal Medicine, Osteoporosis International… Nhóm của ông chính là nhóm phát hiện gien loãng xương đầu tiên trên thế giới, và đã phát triển các phương pháp chẩn đoán và tiên lượng gãy xương đã được giới y khoa toàn thế giới sử dụng qua trang web www.fractureriskcalculator.com. Ông còn là tác giả của 6 cuốn sách đã phát hành ở Việt Nam, trong đó có cuốn “Loãng xương” được xem là sách đầu tiên ở Việt Nam chuyên viết về bệnh này. |
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Đúng là loãng xương thường hay xảy ra ở người cao tuổi (chúng ta không nên nói “người già”). Nhưng loãng xương cũng xảy ra ở những người trong độ tuổi trung niên, dù tần số xảy ra thì thấp. Có rất nhiều lý do để đau nhức xương sống và vai (chính tôi cũng bị) nhưng mật độ xương vẫn bình thường. Nếu bạn quá quan tâm thì có thể đo mật độ xương sống và nhớ hỏi đo luôn độ biến dạng cột sống.
Le Tu: Thưa bác sĩ, gần đây tôi thường đau phía sau gáy và vai, đầu gối trái cũng đau, nhất là khi bước lên cầu thang tôi phải trụ bằng chân phải. Những triệu chứng này có liên quan đến loãng xương không? Tôi thường xuyên đi bộ mỗi ngày từ 5-7km như vậy có ảnh hưởng gì đến khớp xương không? Tôi có nên vận động như bình thường không hay cần giảm cường độ vận động.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Những triệu chứng bạn vừa mô tả có lẽ liên quan đến cơ bắp hơn là xương. Tuy nhiên, vì cơ bắp yếu (có thể do thiếu vitamin D) dẫn đến nguy cơ dễ bị té ngã, và khi té ngã nếu xương mình không đủ mạnh để chống trả thì rất dễ bị gãy xương; cho nên bạn cũng cần đi xét nghiệm mật độ xương để biết xương mình đang ở trong tình trạng nào. Mỗi ngày mà bạn đi được 5-7 km là quá tốt rồi! Tôi nghĩ bạn nên vận động bình thường.
Le Tu: Tôi có bạn khuyên từ 40 tuổi trở lên nên uống loại thuốc có chứa sụn cá mập để giúp tạo chất nhờn cho khớp xương. Xin bác sĩ cho biết uống loại thuốc như trên lâu ngày có hại gì không? Liệu loại thuốc này có chứa thủy ngân không?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Theo kết quả nghiên cứu lâm sàng bên Mỹ và Âu châu thì glucosamine không có ảnh hưởng phụ gì đáng kể so với người không dùng glucosamine. Về thủy ngân trong glucosamine thì tôi không biết, nhưng tôi thấy báo chí phương Tây có cảnh báo rằng một số (nhấn mạnh: một số) glucosamine do Trung Quốc sản xuất có hàm lượng thủy ngân cao.
Tran The Dang Khoa: Con gái tôi 20 tuổi và con trai 26 tuổi, cứ vài tháng tôi cho các cháu uống vitamine D 500 và dầu cá khoảng 1-2 tuần thì có cần thiết hay không?
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn: Duy trì vitamin D đầy đủ chẳng những có lợi ích cho xương mà còn cho các cơ phận khác. Chỉ bổ sung vitamin D khi thiếu. Để biết thiếu hay đủ vitamin D thì cần phải có xét nghiệm để đo vitamin D trong máu.
Tran The Dang Khoa: Mẹ tôi đã mãn kinh được 2 năm, thường bị nhức mỏi tay chân và các khớp. Đã đo loãng xương ở bàn tay thì kết quả bình thường. Xin bác sĩ cho biết đo loãng xương ở cổ tay có thể cho biết tình trạng của toàn cơ thể không? Ngoài việc ăn uống thì mẹ tôi có nên sử dụng thuốc gì không?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Hiện nay, phương pháp chuẩn để chẩn đoán loãng xương là đo mật độ xương bằng máy DXA (dual energy X-ray absorptiometry). Rất nhiều trường hợp xương cổ tay bình thường nhưng xương cột sống và cổ xương đùi suy giảm. Do đó, chẩn đoán loãng xương không dựa vào kết quả đo xương ở cổ tay. Sử dụng thuốc là liệu pháp [gần] sau cùng; biện pháp tốt nhất và có lẽ an toàn nhất là phòng ngừa: chế độ ăn uống giàu canxi và đạm; duy trì lối sống lành mạnh; và thường xuyên vận động, tập thể dục.
Lan Chi: Biểu hiện lâm sàng của bệnh loãng xương ra sao?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Như có đề cập trong một câu trả lời trước (bên dưới), loãng xương thường diễn ra một cách âm thầm mà không có triệu chứng lâm sàng nào. Tuy nhiên, một trong những triệu chứng lâm sàng cần chú ý là giảm chiều cao và giảm cân nặng. Bệnh nhân tăng năng tuyến cận giáp (hyperparathyroidism) hay giảm năng tuyến cận giáp (hypoparathyroidism) cũng cần quan tâm. Những người sử dụng corticosteroid ở liều lượng cao và trong thời gian dài cũng cần nên được đo mật độ xương để theo dõi sức khỏe xương.
Kim Lan: Tôi là nam, 55 tuổi, làm nhân viên văn phòng nên thường xuyên ngồi trước máy vi tính; hai bả vai thường rất mỏi, có khi đau đớn, cử động khó khăn. Xin hỏi đó có phải là triệu chứng của bệnh loãng xương hay không?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Những triệu chứng như bạn mô tả không phải là yếu tố nguy cơ của loãng xương. Có thể là vấn đề cơ bắp, chứ không phải xương.
Huynh Vu – Thưa giáo sư, ở lứa tuổi nào phụ nữ cần chú ý đến vấn đề loãng xương?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Vì loãng xương và gãy xương thường xảy ra ở phụ nữ sau mãn kinh, và tuổi mãn kinh trung bình là 50; do đó, phụ nữ trên 50 tuổi cần quan tâm đến loãng xương.
Phan Thanh Ngoc: Hiện nay, tỷ lệ người mắc bệnh loãng xương trên thế giới là bao nhiêu? Thường tập trung ở nam hay nữ và ở độ tuổi nào?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Ở người Âu Mỹ, cứ 10 phụ nữ trên 50 tuổi thì có 2 người bị loãng xương. Ở nam giới, tỷ lệ loãng xương ở người trên 50 tuổi khoảng 10% (tức chỉ bằng phân nửa so với nữ).
Ở Việt Nam ta, theo nghiên cứu của chúng tôi hợp tác với Đại học Y Phạm Ngọc Thạch thì tỷ lệ loãng xương ở nữ trên 50 tuổi là 17% (tức tương đương với người Âu Mỹ). Còn ở nam giới chúng tôi không biết vì chưa có nghiên cứu. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm hơn là gãy xương, vì gãy xương làm giảm chất lượng cuộc sống và tăng nguy cơ tử vong. Biện pháp phòng ngừa ở quy mô cộng đồng là nhắm đến giảm gãy xương.
Thiên Thanh: Xin bác sĩ cho biết triệu chứng của bệnh loãng xương, cách phòng bệnh và nếu bị bệnh thì cần điều trị ra sao ?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Loãng xương thường được ví von là một “căn bệnh thầm lặng”, hiểu theo nghĩa diễn tiến của bệnh xảy ra một cách âm thầm, không có triệu chứng, cho đến khi bệnh nhân bị gãy xương. Chẳng hạn như thân mẫu của Nữ hoàng Anh chỉ bước xuống một bậc thang và bị té và gãy cổ xương đùi, và khi xét nghiệm mới biết là bị loãng xương dù không có triệu chứng gì trước đó.
Tuy nhiên, một số “tín hiệu” của loãng xương là:
(a) giảm chiều cao (so với khi còn trong độ tuổi 20-30);
(b) trọng lượng quá thấp (dưới 40 kg) hay mất trọng lượng nhanh;
(c) cơ bắp bị yếu và hay bị té ngã
Nếu có một trong những tín hiệu này, bạn cần nên đi đo mật độ xương để có chẩn đoán chính xác hơn. Các yếu tố nguy cơ loãng xương thì có nhiều nhưng tựu trung lại là:
(a) thiếu estrogen (kích thích tố nữ) hay thiếu androgen (nam)
(b) thiếu canxi
(c) bia rượu thái quá
(d) có tiền sử gãy xương
(e) suy yếu thị lực
(f) hay bị té ngã
Nếu bạn trên 65 tuổi và có một trong những yếu tố trên thì nên đi đo mật độ xương.
Lan Chi: Để phòng chống bệnh loãng xương, chúng ta cần có chế độ ăn uống ra sao?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Đây là một câu hỏi lớn để có thể trả lời qua vài phút. Tuy nhiên, các biện pháp phòng chống bệnh loãng xương có thể tóm lược như sau: Một là điều chỉnh chế độ ăn uống sao cho cân đối, như có đủ canxi (khoảng 1.000 mg mỗi ngày) và đủ đạm (protein, kể cả đạm thực vật). Hai là thường xuyên tập thể dục (như Tai-chi, yoga, bơi lội, đi bộ buổi sáng và chiều), nhưng đừng tập như lực sĩ! Ba là cố gắng duy trì một lối sống lành mạnh như bỏ thuốc lá (nếu đang hút) và rượu bia ở mức vừa phải.
dang hai ly: Thưa giáo sư, tôi bị loãng xương, đã uống Foravance loại 70mg/2800UI hơn sáu tháng, và vừa ngưng được hơn 1 tháng. tuy nhiên, cơ thể tôi hấp thụ canxi kém do trước đây có dùng cortisoid. Tôi không thể ăn tôm, cua vì vỏ tôm, cua có nhiều can-xi. Nếu ăn sẽ bị đau bụng liền và đau dữ dội. Xin hỏi bác sĩ có cách nào để chữa trị nữa không?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Corticosteroid có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thu canxi, nhưng hấp thu canxi thấp không có nghĩa là sẽ dẫn đến đau bụng. Có lẽ bạn nói đến Fosavance (chứ không phải Foravance).
Fosavance (tức Fosamax thêm vitamin D) là một loại thuốc chống hủy xương và có hiệu quả giảm nguy cơ gãy xương. Tuy nhiên, một trong những phản ứng của thuốc là đau bụng (khoảng 10-15% bệnh nhân dùng thuốc). Do đó tôi nghĩ đau bụng có lẽ không phải do sử dụng corticosteroid mà do uống Fosavance. Nhưng bạn đã uống thuốc đúng như bác sĩ dặn chưa (tức phải uống kèm theo nhiều nước, và ngồi ở tư thế thẳng lưng ít nhất 30 phút). Nếu đau bụng dữ dội thì bạn nên tạm ngưng uống thuốc và tham vấn bác sĩ.
Hiện nay, có nhiều thuốc điều trị loãng xương trên thị trường. Bạn cần phải hỏi bác sĩ mình để biết thêm chi tiết và lựa chọn thích hợp.
Le Bao Khanh: Khi tôi còn nhỏ có bị gãy xương đòn gánh (trên vai trái) và cho đến nay khi kê vật gì vào vai để khiêng đi thì cảm thấy đau và yếu hơn hẳn vai phải. Xin hỏi có phải do bị gãy xương từ trước nên dễ bị chứng loãng xương hơn không?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Đây là vấn đề chấn thương, có thể di lệch xương, làm tổn thương đến dây thần kinh cảm giác tại chỗ, chứ có thể không dính dáng gì đến loãng xương. Ở nam và nữ, tiền sử gãy xương sau tuổi 50 là một yếu tố nguy cơ gãy xương lần thứ hai.
Trần Hoàng Long: Theo giáo sư thì nguồn canxi có thể tiếp thu qua rau cải, đậu nành… nhưng căn bệnh gout của tôi được các thầy thuốc khuyên phải kiêng ăn hầu hết các loại đậu, kiêng rau muống, rau cải xanh, các loại nấm… Về động vật thì chỉ được ăn thịt heo nạc và cá đồng; kiêng tất cả hải sản. Vậy tôi có thể bổ sung can xi bằng cách nào đây?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Trong trường hợp của bạn, có lẽ bổ sung canxi (viên canxi có bán trên thị trường) là một lựa chọn thích hợp. Chưa có bằng chứng nào chống chỉ định sử dụng canxi ở bệnh nhân gout.
Vu Huynh: Trên các phương tiện truyền thông, nhiều hãng sữa đã khuyến cáo mọi người nên uống sữa để ngăn ngừa loãng xương. Mẹ tôi không uống được sữa, lại bị dị ứng với một số loại hải sản, vậy có những nhóm thực phẩm nào mẹ tôi có thể sử dụng để ngăn ngừa bệnh này?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Có nhiều nguồn canxi, như rau cải xanh (kể cả rau muống), xúp-lơ xanh (broccoli), cải bó xôi, sữa đậu nành, v.v… Tất cả các nguồn này đều có thể cung cấp một lượng canxi cần thiết tối thiểu. Nếu vẫn quan tâm thì có thể sử dụng loại bổ sung canxi vốn có bán trên thị trường.
Tran The Dang Khoa: Chị tôi 53 tuổi, khi cử động khớp cổ tay, đầu gối, cổ chân đều kêu “lụp cụp”…, xin bác sĩ cho biết có nguy cơ bị loãng xương hay không và điều trị như thế nào?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Loãng xương liên quan đến chất khoáng trong xương; còn triệu chứng mà bạn mô tả không nằm trong các khía cạnh của loãng xương. Tuy nhiên, bạn có thể tham vấn bác sĩ chuyên khoa khớp để theo dõi và điều tra thêm.
Hồng Anh: Thưa bác sĩ, tôi nghe nói nhiều người vì sợ bị loãng xương nên tích cực uống sữa, uống thuốc bổ sung canxi và ăn hải sản sẽ dẫn đến thừa canxi và vôi hóa cột sống. Điều này có đúng không?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Nếu hấp thu quá nhiều canxi (trên 1.500 mg/ngày) thì cũng không phải là biện pháp phòng bệnh tốt vì có thể tăng nguy cơ bị sỏi thận. Do đó, bạn cần phải tham vấn bác sĩ chuyên khoa để cân nhắc liều lượng cần thiết và thời gian sử dụng. Tùy theo độ tuổi, liều lượng canxi cần thiết mỗi ngày là 1.000 đến 12.000 mg.
Kim Lan: Kính chào giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Tôi năm nay 52 tuổi, bị bệnh thấp khớp, phải thường xuyên dùng thuốc glucosamine. Xin giáo sư cho biết, có mối liên hệ nào giữa bệnh khớp và bệnh loãng xương hay không? Tôi có nên vừa uống thuốc trị khớp vừa uống bổ sung can-xi hay không?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Loãng xương thường hay bị lầm lẫn với thấp khớp, nhưng hai bệnh này khác nhau về nguyên nhân và yếu tố nguy cơ. Tuy nhiên, biện pháp phòng ngừa thì giống nhau: tập thể dục. Một số người mắc bệnh thấp khớp thường có mật độ xương thấp, nhưng không hẳn là loãng xương. Nếu liều lượng canxi hấp thu thấp (như dưới 300 mg/ngày) thì có lẽ bạn cũng nên xem xét việc bổ sung canxi. Nên bàn luận với bác sĩ gia đình trước khi quyết định.
Trần Hoàng Long: Tôi bị bệnh gout, theo lời dặn của các thầy thuốc tôi phải kiêng cữ rất nhiều thực phẩm có nhiều đạm. Nhưng trong đó cũng có những thứ cung cấp can xi cho cơ thể. Liệu sự kiêng cữ này có thể khiến tôi dễ mắc chứng loãng xương không?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Anh/chị có thể nói cụ thể hơn là kiêng cữ thực phẩm gì không? Xương là một mô được cấu trúc với rất nhiều chất, kể cả canxi, collagen (chất keo), và phosphate. Có nhiều người canxi không cao nhưng vẫn không bị loãng xương.
Dương Thanh: Mẹ tôi năm nay 67 tuổi, bị bệnh sỏi thận nên không thể ăn thức ăn giàu canxi hay uống sữa nhưng lưng cụ bị còng hay đau nhức, đi lại khó khăn. Vậy mẹ tôi có bị loãng xương hay không, và trường hợp của mẹ tôi phải bổ sung canxi cho xương thế nào?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Chẩn đoán loãng xương ở người bị sỏi thận tương đối khó, vì phải xem xét đến các marker (dấu ấn) về chu chuyển xương. Tuy nhiên, việc đầu tiên có lẽ là bác nên đi đo mật độ xương để biết chỉ số T là bao nhiêu, rồi sau đó sẽ xem xét tiếp về việc bổ sung canxi (điều này phải cẩn thận vì bà cụ bị sỏi thận). Như tôi nói ở một câu hỏi trước (bên dưới), đau lưng và nhức mỏi lưng không hẳn là bị loãng xương. Nhưng nếu chiều cao bị giảm so với thời trong độ tuổi 20-30 thì đó là triệu chứng xương đốt sống có thể bị biến dạng hay gãy và cần được điều trị.
Le Bao Khanh: Những bữa ăn trong ngày tôi rất ít dùng hải sản- nhất là các loại cá (vì không chịu được mùi tanh), tôi cũng ít dùng thịt động vật. Vậy tôi có bị chứng loãng xương không? Nếu bị thì tôi phải ăn bổ sung thực phẩm gì?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Để biết bị loãng xương hay không, cách hay nhất là đo mật độ xương (bone mineral density) bằng máy DXA. Nhiều người ăn chay (tức không ăn thịt và cá) nhưng xương chẳng có ảnh hưởng gì đáng kể. Nguồn canxi có thể tiếp thu qua rau cải, đậu nành, hay nói chung là thực vật, chứ không phải chỉ qua động vật.
Lan Chi: Bệnh loãng xương và bệnh xương thủy tinh có liên quan với nhau hay không?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Xương thủy tinh (osteogenesis imperfecta) và loãng xương – osteoporosis (osteos tiếng Hy Lạp là xương, poros là loãng) là hai bệnh khác nhau. Bệnh xương thủy tinh do di truyền gây ra, với đặc điểm là các chất keo (collagen) không liên kết được, làm xương bị biến dạng, gãy xương, v.v…
Loãng xương là bệnh khi mật độ xương suy giảm và dẫn đến dễ bị gãy xương. Loãng xương hay xảy ra ở người cao tuổi (khá phổ biến), còn xương thủy tinh có thể xảy ra ở người trẻ tuổi (hiếm).
Khâu Tuyết Nga: Thưa giáo sư, có nhất thiết phải uống sữa có canxi mới chống được bệnh loãng xương hay không? Vậy sữa bình thường chẳng lẽ không có canxi hay sao?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Tác dụng của canxi đến xương là một đề tài vẫn còn trong vòng tranh cãi. Ở tuổi mới lớn hay đang trưởng thành thì ai cũng đồng ý canxi rất cần thiết (khoảng 1.000 mg/ngày) để xương có thể phát triển đúng với tiềm năng của các yếu tố di truyền.
Còn ở độ tuổi trên 50 hay trên 60, ảnh hưởng của canxi chưa mấy rõ ràng, có lẽ một phần do sự hấp thu canxi rất khác biệt giữa các cá nhân. Độ hấp thu canxi tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có vitamin D. Khi cơ thể chúng ta có vitamin đầy đủ thì canxi được hấp thu tốt; nhưng nếu vitamin D thiếu thì canxi không được hấp thu tốt.
Rất tiếc là khoảng 45% người Á châu tuy sống vùng nhiệt đới nhưng lại thiếu vitamin D! Tuy nhiên, có nhiều nghiên cứu cho thấy bổ sung canxi có thể giảm nguy cơ gãy xương khoảng 20%.
Mai Nguyễn: Bệnh loãng xương có xảy ra ở người trẻ tuổi hay không. Tôi chưa tới 30 tuổi nhưng thường hay bị đau và mỏi lưng, liệu đây có phải là triệu chứng của bệnh loãng xương không? Làm sao tôi có thể biết được là mình đã cung cấp đủ canxi trong ngày?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Loãng xương có thể xảy ra ở người trẻ tuổi, nhưng rất hiếm. Đau lưng hay mỏi lưng không hẳn là triệu chứng của loãng xương. Thông thường ở độ tuổi 30, liều lượng canxi cần thiết mỗi ngày là khoảng 1.000 mg đến 1.200 mg. Sữa chứa nhiều canxi. Để so sánh, bạn có thể ước tính một ly sữa chứa khoảng 270 mg canxi.
Mai Thư: Xin ông cho biết, một khi đã bị bệnh loãng xương thì có còn tập thể dục hoặc chơi thể thao được không? Nếu được thì tập hoặc chơi như thế nào là phù hợp?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Thứ nhất là vấn đề “loãng xương”. Bạn phải chắc chắn rằng mình bị loãng xương, tức có đo lường mật độ xương bằng máy DXA thì mới chính xác được; còn đo bằng siêu âm thì không chính xác.
Người bị loãng xương vẫn tập thể dục và chơi thể thao bình thường, nhưng cường độ thì chỉ trung bình. Chúng tôi thường khuyến cáo đi bộ (không phải chạy đua) khoảng 30 phút mỗi ngày, bơi lội, thậm chí … nhảy đầm cũng là những biện pháp thực tế mà hữu hiệu phòng chống loãng xương.
Lan Chi: Hiện nay, tỷ lệ người mắc bệnh loãng xương ở Việt Nam là bao nhiêu? Thường tập trung ở nam hay nữ và ở độ tuổi nào?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Nghiên cứu về loãng xương ở Việt Nam còn rất ít, nên cũng khó trả lời chính xác câu hỏi này. Tuy nhiên, vài công trình mới đây mà tôi có tham gia ở Hà Nội và TPHCM thì ở phụ nữ trên 50 tuổi, cứ 5 người có 1 người bị loãng xương. Ở người Âu Mỹ, 2/3 ca loãng xương xảy ra ở nữ, và 1/3 là nam. Loãng xương thường hay thấy ở nữ trên 50 tuổi (tức sau mãn kinh), và ở nam trên 60 tuổi.
Tòa soạn xin chân thành cảm ơn bạn đọc và giáo sư Nguyễn Văn Tuấn đã tham gia giao lưu trực tuyến. Xin hẹn bạn đọc vào buổi giao lưu trực tuyến lần sau, trong một chủ đề thú vị khác.
(Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online)