Mỗi lần con ốm, sốt, chị Huyền (Giáp Bát, Hà Nội) gần như phải thức trắng cả đêm lấy khăn ấm lau khắp người, lôi con dậy để uống thuốc hoặc nhét thuốc. Vì thế, nghe mọi người mách mua miếng dán lạnh để hạ sốt cho bé, chị liền ra ngay hiệu thuốc mua hẳn một hộp 12 miếng.
“Không ngờ, cu cậu không chịu, cứ đặt miếng dán lên trán là khóc ầm ĩ, lấy tay giật ra. Không còn cách nào khác thế là mình đành xếp xó hộp gần như còn nguyên vẹn. Miếng đó lạnh toát, mình sờ tay vào còn thấy lạnh mới thấy con nó khó chịu thế nào”, chị Huyền chia sẻ.
Nhiều trẻ rất sợ khi bị dán miếng dán lạnh lên trán để hạ sốt. Ảnh: P.N. |
Chị Lâm, ở Đông Anh, Hà Nội cũng bị một phen hốt hoảng vì dùng miếng dán hạ sốt cho con.
Thấy cô con gái 2 tuổi bị sốt 39, 40 độ C, chị mới bóc một miếng dán hạ sốt dán vào trán cho con. Thế nhưng hơn một giờ sau, chị đo lại thì thấy nhiệt độ vẫn không hạ. Chị lấy mấy miếng nữa dán tiếp vào nách và bẹn nhưng vẫn không ăn thua.
Thế là cả đêm chị phải ngồi trông con, vừa canh giờ để thay miếng dán, vừa lấy nước ấm lau liên tục. Đến 5 giờ sáng thấy con vẫn sốt li bì chị mới vội vàng đưa con đi cấp cứu. Bác sĩ cho uống thuốc hạ sốt thì sau 30 phút nhiệt độ đã hạ.
“Nghĩ trẻ nhỏ hay ốm mà lần nào cũng dùng thuốc để hạ sốt thì không tốt lại sợ nó nhờn thuốc nên mình mới thử dùng miếng dán hạ nhiệt. Ai dè, may mà bé không bị sao”, chị Lâm nói.
Theo khảo sát của VnExpress.net, trên thị trường hiện có nhiều nhãn hiệu miếng dán lạnh được quảng cáo có tác dụng giúp hạ nhiệt, bán chủ yếu ở các nhà thuốc. Tại TP HCM, sản phẩm còn được bán tại một số siêu thị.
Phó giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, miếng dán hạ sốt rất dễ tìm thấy ở các hiệu thuốc và được nhiều bà mẹ chuộng dùng vì tiện lợi. Hầu như trẻ nào đến khoa khám cũng đều dán một miếng ở trên.
“Miếng dán hạ sốt thực chất là miếng dán lạnh. Với biện pháp đắp lạnh để hạ được sốt thì phải đắp gần như toàn thân. Việc này rất khó thực hiện, nhất là trong mùa lạnh. Trong khi đó Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo không sử dụng biện pháp chườm lạnh để hạ sốt cho trẻ”, tiến sĩ Dũng nói.
Theo đó, nghiên cứu cho thấy các biện pháp chườm lạnh tại chỗ, nếu chỉ chườm từng vùng (trán, nách..) thì thấy không có tác dụng hạ sốt mà có hai yếu tố bất lợi. Thứ nhất, nó khiến trẻ khó chịu thêm. Nhiều trẻ thấy sợ miếng dán lạnh, mỗi lần bị dán lên trán là lập tức khóc inh ỏi, đòi vứt đi. Thứ hai, với những trẻ bị viêm phổi khi sử dụng phương pháp chườm lạnh lại làm tăng việc sử dụng ôxy khiến bệnh phổi nặng thêm.
“Quan điểm của riêng tôi là không nên sử dụng các loại khăn lạnh. Thuận lợi là dán được vào, có thể ngay lúc đó trẻ thấy dễ chịu nhưng nếu dán 6-8 giờ thì rất nguy hiểm”, tiến sĩ Dũng nói.
Lý giải điều này, theo tiến sĩ, cơ chế của cơ thể là hạ nhiệt bằng cách thoát nhiệt qua da bằng bốc hơi. Nếu dán một miếng ở trên trán trong một thời gian dài, cơ thể sẽ mất một khoảng da không trao đổi khí, khó bốc hơi ra bên ngoài làm nhiệt độ không hạ được.
Bên cạnh đó, các thành phần của miếng dán nếu thấm qua da thì rất nguy hiểm, một số trẻ có thể bị dị ứng với các thành phần trong đó. Chẳng hạn như menthol là tinh dầu bạc hà, có tích kích ứng mạnh. Các bác sĩ không khuyến khích dùng cho trẻ vì da bé rất nhạy cảm nên dễ gây kích ứng da, đôi khi có thể ảnh hưởng đến chức năng hô hấp ở trẻ sơ sinh.
“Ngoài ra, một số bà mẹ để hạ sốt cho con đã lấy nước đá cho vào túi nilong, bọc vải bên ngoài, rồi đặt vào hai bên người bé gần nách. Điều này là không nên, biện pháp chườm đá bị cấm vì có thể gây bỏng lạnh, khiến trẻ bị suy hô hấp”, tiến sĩ Dũng khuyến cáo.
Để hạ sốt, cha mẹ có thể dùng nước ấm thấp hơn 2 độ so với thân nhiệt, lau người cho bé. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp hỗ trợ, quan trọng vẫn phải dùng thuốc, đồng thời để con nằm ở nơi thoáng, bỏ bớt quần áo, tã lót.
Còn thạc sĩ Hà Huy Lợi, Bệnh viện Tai Mũi họng Trung ương (Hà Nội) cho biết: “Miếng dán lạnh có tác dụng như biện pháp chườm mát nhiều người vẫn hay dùng. Nó có tác dụng hạ sốt nhưng không nhiều, chỉ dùng để hỗ trợ chứ không thay thế được thuốc”.
(Theo Dân trí)