Đặc điểm của nấm Candida
Candida là loại nấm men, kích thước khoảng từ 2-5µm, hình tròn hoặc bầu dục. Trong trạng thái hoại sinh, số lượng tế bào nấm rất ít, xét nghiệm chỉ thấy một hoặc hai hạt men nảy búp, nấm giữ thế cân bằng với các loại vi sinh vật hội sinh khác.
Trong một số điều kiện nhất định, nấm Candida chuyển sang trạng thái ký sinh gây bệnh, số lượng tế bào tăng lên nhiều, xuất hiện nhiều sợi tơ nấm giả giúp cho nấm có thể len lỏi giữa những tế bào và xâm nhập sâu hơn vào trong cơ thể. Nấm Candida albican là loại thường hay gây bệnh. Chúng có thể gây bệnh ở bất kỳ cơ quan hoặc tổ chức nào của cơ thể nhưng phổ biến nhất là da và niêm mạc. Các thể bệnh khác nhau được ghi nhận là cấp tính, bán cấp tính hay mãn tính.
Nấm gây bệnh khi có các yếu tố thuận lợi như điều kiện sinh lý, nghề nghiệp, bệnh lý khác hoặc đang dùng một số thuốc điều trị bệnh… Nếu nấm Candida albican ký sinh phát triển ở bộ phận sinh dục sẽ gây bệnh viêm âm hộ, âm đạo và viêm bao quy đầu.
Viêm âm hộ, âm đạo
Viêm ân hộ, âm đạo do nấn Candida albican rất hay gặp, chúng thường có liên quan với việc sử dụng kháng sinh phổ rộng, có thai 3 tháng cuối, độ pH ở âm đạo thấp và mắc bệnh tiểu đường. Những người có hoạt động tình dục mạnh hoặc dùng thuốc tránh thai cũng có thể là yếu tố nguy cơ. Người bệnh thấy ngứa âm hộ, có cảm giác nóng, bỏng, đau khi giao hợp. Khi khám, thấy niêm mạc viêm đỏ, có mảng trắng, dịch tiết như sữa đông. Bệnh có thể lan tới đáy chậu, âm hộ hoặc háng bẹn.
Viêm quy đầu
Viêm quy đầu thường liên quan đến bệnh đái tháo đường, người không cắt bao quy đầu, vệ sinh sinh dục kém cũng là một yếu tố thuận lợi. Bệnh nhân thấy ngứa, niêm mạc không loét, nếp giữa quy đầu và bao quy đầu có các mảng trắng. Từ viêm quy đầu, có thể gây viêm niệu đạo. Người bệnh thấy ngứa lỗ sáo tiểu, đau khi đi tiểu, nước tiểu có những dây tơ nhầy và mủ.
Phòng bệnh và điều trị
Phòng bệnh bằng cách cần loại trừ các điều kiện thuận lợi giúp cho nấm phát triển và gây bệnh như đã nêu ở trên, kết hợp với điều trị tại chỗ bằng thuốc azole thường có hiệu quả. Sử dụng thuốc fluconazole với liều 150mg uống một lần duy nhất có kết quả đến 95% các trường hợp bị nhiễm bệnh; hoặc dùng itraconazole uống với liều 200mg uống 1 lần/ngày, uống trong 3 ngày; hay 200mg uống 2 lần trong 1 ngày duy nhất. Đối với nữ, thường phối hợp với thuốc đặt âm đạo như miconazole 200mg, đặt 1 viên khi đi ngủ trong 3 ngày hoặc clotrimazole 200mg, đặt 1 viên khi đi ngủ trong 3 ngày. Đối với nam thường không cần điều trị vì bệnh có thể tự khỏi, tuy nhiên nếu bị viêm quy đầu thì có thể bôi các kem chống nấm như ketoconazole, clotrimazole. Đối với những trường hợp hay tái phát, cần dùng thuốc dự phòng từng đợt để phòng sự nhiễm bệnh những đợt tiếp theo.
(Theo dantri.com.vn)