Cho đến nay mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong công tác phòng bệnh và điều trị, viêm phổi vẫn là bệnh thường gặp ở trẻ em và là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi và trẻ sơ sinh (dưới 1 tháng tuổi). Khi bị viêm phổi, trẻ bị viêm các phế quản nhỏ, các phế nang và các tổ chức xung quanh phế nang. Tổn thương viêm rải rác 2 phổi làm rối loạn trao đổi khí dễ gây suy hô hấp, ở trẻ sơ sinh bệnh hay tiến triển nặng, có thể gây tử vong.
Nguyên nhân
Viêm phổi sơ sinh thường do các loại vi khuẩn như Listeria, Coli, các vi khuẩn Gram âm. Nhiễm khuẩn phổi có thể xảy ra từ trước, trong hoặc sau khi đẻ, liên quan tới thời gian vỡ ối trước khi đẻ. Cụ thể là:
– Vỡ ối từ trên 6 giờ đến 12 giờ trước đẻ: 33% trẻ bị viêm phổi.
– Vỡ ối từ trên 12 giờ đến 24 giờ trước đẻ: 51,7% trẻ bị viêm phổi.
– Vỡ ối từ trên 24 giờ trở lên: 90% trẻ bị viêm phổi.
Trong khi đỡ đẻ, hồi sức sau đẻ và chăm sóc trẻ sơ sinh cũng cần thực hiện vô trùng vì trẻ sơ sinh rất dễ bị nhiễm khuẩn từ dụng cụ và môi trường, người chăm sóc.
|
Biểu hiện lâm sàng
Triệu chứng ban đầu: thường rất nghèo nàn và không đặc hiệu. Cần cho trẻ đến khám ở cơ sở y tế nếu có 1 trong các biểu hiện sau:
– Bú kém hoặc bỏ bú.
– Sốt trên 37,5oC hoặc hạ thân nhiệt mặc dù đã ủ ấm.
– Li bì.
– Thở nhanh trên 60 lần trong 1 phút hoặc khó thở.
Triệu chứng điển hình:
– Triệu chứng toàn thân: Trẻ sốt hoặc hạ thân nhiệt, li bì, đáp ứng kém với kích thích, bú kém hoặc bỏ bú, nôn nhiều, chướng bụng…
– Suy hô hấp: Trẻ khó thở, rút lõm lồng ngừng, có thể tím tái, có cơn ngừng thở.
– Nghe phổi có thể có ran ẩm nhỏ hạt.
– Số lượng bạch cầu và bạch cầu trung tính trong máu tăng cao, trường hợp nặng có thể giảm hơn bình thường do trẻ không còn khả năng đề kháng.
– Chụp phổi có thể thấy các đám mờ rải rác ở 2 thể phế trường.
Điều trị
– Chống suy hô hấp: Tại bệnh viện trẻ sẽ được hút đờm rãi, thở ôxy… tuỳ theo mức độ suy thở.
– Chống nhiễm trùng: Dùng kháng sinh phổi hợp 2 loại, phổ rộng, có hiệu quả với cả chủng vi khuẩn Gr (-) và Gr (+). Cần dùng đủ liều cần thiết và nên tiêm đường tĩnh mạch.
Phòng bệnh
– Bảo đảm giữ ấm cho trẻ.
– Chăm sóc, cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ hoàn toàn để tăng sức đề kháng cho trẻ.
– Giữ vệ sinh cho trẻ, người chăm sóc phải rửa tay trước và sau khi chăm sóc trẻ để trẻ không bị lây nhiễm vi khuẩn.
– Dụng cụ để chăm sóc trẻ như cốc, thìa, chăn, áo, tã… phải sạch, khô, vô trùng.
Làm tốt những việc trên, các bậc cha mẹ sẽ giúp phòng tránh viêm phổi, giúp trẻ khoẻ và giảm tỷ lệ tử vong cho trẻ sơ sinh.
(Theo Sức khỏe đời sống)