Các rối loạn này có thể tồn tại từ trước nhưng đa phần là xuất hiện sau khi thụ thai. Dù xuất hiện từ bao giờ nhưng nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời thì đều có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho cả người mẹ và thai nhi.
Trong vòng 13 tuần đầu tiên của thai kỳ, thai nhi chưa có tuyến giáp nên phải phụ thuộc hoàn toàn vào lượng hoóc-môn tuyến giáp của người mẹ cung cấp qua rau thai. Đây chính là thời kỳ hình thành và phân chia các cơ quan nên nếu bị thiếu hoóc-môn trong thời gian này thì biến chứng rất nặng nề. Tại Mỹ, khoảng 2,5% số phụ nữ có thai bị suy giáp. Hậu quả của suy giáp ở người mẹ là tăng huyết áp, còn với thai nhi thường là sảy thai, thai chết lưu, đẻ non, rau bong non và đặc biệt là trẻ đẻ ra bị đần độn, chậm phát triển trí tuệ. Chường chức năng tuyến giáp ở các thai phụ tuy ít gặp hơn, khoảng 1,7% số phụ nữ có thai bị bệnh này, nhưng cũng có thể gây ra các biến chứng như sảy thai, thai nhẹ cân, tiền sản giật, đẻ non… và nguy hiểm nhất là cơn cường giáp cấp lúc chuyển dạ với tỉ lệ tử vong cả mẹ và con lên đến gần 100%.
Việc tầm soát nhằm phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý tuyến giáp ở phụ nữ có thai có ý nghĩa hết sức quan trọng. Ngoài việc ngăn ngừa các biến chứng, làm giảm tỉ lệ tử vong ở cả mẹ và con, nó còn đảm bảo những đứa trẻ sinh ra là hoàn toàn khỏe mạnh về thể chất và có trí tuệ tốt. Điều trị càng sớm thì nguy cơ bị biến chứng ở cả mẹ và con sẽ càng thấp.
Các thai phụ có nguy cơ cao bị mắc bệnh tuyến giáp nếu:
– Đã được chẩn đoán bệnh tuyến giáp từ trước như Basedow, suy giáp, bướu cổ đơn thuần, bướu nhân tuyến giáp…
– Có tiền sử trong gia đình có người thân (bố, mẹ, chị em…) bị bệnh tuyến giáp.
– Đã bị bệnh tuyến giáp ở những lần có thai trước.
– Có tiền sử sản khoa xấu như sảy thai, thai chết lưu, đẻ non, đẻ con bị dị tật bẩm sinh…
– Người bệnh đái tháo đường týp 1.
– Có mắc các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, lupus…
Những người nghi ngờ bị bệnh hoặc có nguy cơ cao bị bệnh tuyến giáp cần đi khám tại các khoa nội tiết ngay khi biết mình có thai. Nội dung gồm:
– Khám lâm sàng kiểm tra xem có bướu cổ không.
– Làm xét nghiệm máu các hoóc-môn FT4 và TSH.
– Những trường hợp nghi ngờ sẽ được cho làm thêm siêu âm tuyến giáp và một số xét nghiệm máu đặc biệt.
Những thai phụ được chẩn đoán rõ có bệnh tuyến giáp sẽ được điều trị ngay để đưa nồng độ hoóc-môn giáp về bình thường càng nhanh càng tốt. Những trường hợp nghi ngờ sẽ được kiểm tra lại sau vài tuần để xác định chắc chắn. Một điều may mắn là các thuốc điều trị bệnh tuyến giáp (cả cường và suy giáp) đều không đắt, dùng đường uống được và an toàn cho thai nhi.