Các biến chứng này không phải là không thể tránh khỏi. Nếu có những hiểu biết và biện pháp cần thiết để phát hiện và điều trị kịp thời, chúng ta có thể ngăn ngừa và nếu đã mắc thì vẫn có thể điều trị ổn định hoặc đẩy lùi.
Những khái niệm chung cần biết?
Các biến chứng tim mạch là các biến chứng xuất hiện trên cơ sở tổn thương xơ vữa động mạch của các mạch máu lớn và vừa.
Xét nghiệm kiểm tra đường huyết
Bệnh ĐTĐ làm cho quá trình xơ vữa động mạch của các động mạch lớn và vừa xuất hiện sớm hơn và tiến triển nhanh hơn ở những người không mắc bệnh này. Mặt khác, bên cạnh bệnh ĐTĐ còn có nhiều trạng thái và bệnh lý khác cũng có thể góp phần gây các biến cố tim mạch. Đó là những yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch, trong đó phải kể đến: bệnh tăng huyết áp, các rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá, béo phì, lối sống ít vận động.
Bệnh ĐTĐ là một yếu tố nguy cơ làm gia tăng sự xuất hiện và mức độ trầm trọng của các biến cố tim mạch (ở cả nam và nữ): tăng nguy cơ bệnh mạch vành lên gấp 1,8 lần, tăng nguy cơ bị tai biến mạch não lên gấp 2,4 lần, tăng nguy cơ viêm tắc động mạch chi dưới lên gấp 4,5 lần.
Theo thống kê các biến chứng tim mạch này là nguyên nhân tử vong của 3/4 số bệnh nhân ĐTĐ ngoài tuổi bốn mươi.
Một số biểu hiện của biến chứng tim mạch trên bệnh nhân ĐTĐ
Viêm tắc động mạch chi dưới
Đặc điểm: Hay gặp ở người ĐTĐ hơn ở người bình thường (50% bệnh nhân ĐTĐ sau 20 năm tiến triển bệnh). Nguy cơ gây hoại tử cao gấp 7 lần ở người không mắc ĐTĐ và là nguyên nhân dẫn đến cắt đoạn chi của 50% số bị cắt đoạn chi không do chấn thương. Tiên lượng nặng thêm nếu bệnh nhân hút thuốc lá. Thường phối hợp với tổn thương thần kinh tạo nên nguy cơ của bàn chân người ĐTĐ. Với trường hợp này người bệnh cần được khám bàn chân, bắt mạch chi. Làm thêm xét nghiệm thăm dò chuyên biệt nếu có dấu hiệu gợi ý và phải được điều trị.
Bệnh mạch vành ở người đái tháo đường
Bệnh mạch vành rất hay gặp ở người ĐTĐ và tiên lượng nặng. Tiên lượng được cải thiện bằng kiểm soát tốt và sớm đường huyết, đồng thời bệnh nhân ĐTĐ cần được ghi điện tim khi mới phát hiện bệnh và làm lại định kỳ theo chỉ định của bác sỹ, có thể làm nghiệm pháp gắng sức nếu nghi ngờ trên lâm sàng hoặc điện tim. Một đặc điểm chung của bệnh mạch vành ở người đái tháo đường là có thể không có triệu chứng điển hình như: cơn đau ngực kiểu mạch vành, do vậy nếu bệnh nhân ĐTĐ không kiểm soát tốt có thể xuất hiện nhồi máu cơ tim rất âm thầm.
Bệnh tăng huyết áp
Đặc điểm: có ở 50% bệnh nhân ĐTĐ týp 2 sau tuổi 45, có thể xuất hiện trước khi mắc ĐTĐ týp 2. Ở ĐTĐ týp 1 thường là hậu quả của biến chứng thận. Tăng huyết áp làm nặng thêm các biến chứng vi mạch và là nguy cơ lớn dẫn đến các biến cố tim mạch.
Cần phải: bệnh tăng huyết áp cần được phát hiện sớm, điều trị thường xuyên và ổn định ở mức < 140/ 90mmHg và thấp hơn nữa nếu có thêm yếu tố nguy cơ khác. Huyết áp cần được kiểm tra thường xuyên và mỗi khi đi khám bệnh. Để điều trị tăng huyết áp có thể phải dùng một hay nhiều loại thuốc khác nhau theo chỉ định của bác sĩ. Cần phối hợp thực hiện chế độ ăn và tập luyện.
Các biến chứng khác có liên quan như:
Tai biến mạch não
Đặc điểm: hay gặp tai biến do nhồi máu não hơn là do xuất huyết não.
Cần phải: phát hiện các tai biến mạch não thoáng qua. Điều trị tốt ĐTĐ và các yếu tố nguy cơ khác, đặc biệt là tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu.
Rối loạn mỡ máu
Đặc điểm: tăng cholesterol máu, triglyceride máu, LDL cholesterol; giảm HDL – cholesterol.
Nếu kiểm soát mỡ máu không tốt sẽ làm tăng nguy cơ biến chứng mạch vành và một số biến chứng khác.
Cần phải: các rối loạn này có thể được cải thiện phần nào nhờ kiểm soát tốt đường máu. Nếu chưa đạt mức tối ưu cần được điều trị sớm, bao gồm chế độ ăn và chế độ thuốc. Cần làm xét nghiệm kiểm tra các bất thường về mỡ máu 6 tháng – 1 năm / 1 lần. Trong trường hợp điều trị cần kiểm tra định kỳ theo chỉ định của bác sỹ.
Khám tim mạch cho bệnh nhân đái tháo đường (ảnh minh họa)
Phòng ngừa các biến chứng
Để người bệnh ĐTĐ không phải lo ngại với các biến chứng về tim mạch thì cần:
– Phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ tim mạch (bao gồm ĐTĐ và các yếu tố nguy cơ khác).
– Kiểm soát tốt bệnh ĐTĐ.
– Kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ khác ngoài ĐTĐ.
– Ngoài ra, cần giảm trọng lượng cơ thể thừa, tăng cường vận động thể lực, bỏ thuốc lá, giảm uống rượu… để giảm thiểu các yếu tố nguy cơ tim mạch và từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh và tử vong do biến chứng tim mạch ở bệnh nhân ĐTĐ.
Chúc quý độc giả sức khỏe!
(Nguồn tổng hợp)