Bác sĩ Lê Đức, Trưởng khoa sản bệnh, cho biết, những thai phụ mắc tiền sản giật, tim, tiểu đường có nhiều nguy cơ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của cả mẹ và con trong lúc mang thai, sinh đẻ.
Tiền sản giật là bệnh nhiễm độc thai thường gặp, chiếm tỉ lệ 6-8% số phụ nữ mang thai, phần lớn xảy ra trong thời kỳ mang thai đầu tiên. Bệnh có biểu hiện đặc trưng là cao huyết áp, phù mặt, tay và nước tiểu nhiều chất đạm. Tiền sản giật có thể khiến người mẹ bị tổn thương gan, thận, chảy máu (máu chảy không cầm được hay co giật khi chuyển dạ); làm thai nhi chậm phát triển, suy thai, thậm chí chết trong tử cung.
Tiền sản giật không được điều trị có thể dẫn đến biến chứng rau bong non, phù phổi, xuất huyết não, rối loạn tâm thần cho mẹ hoặc tử vong (10%). Do chưa xác định được nguyên nhân của tiền sản giật nên chưa có cách điều trị đặc hiệu và phòng ngừa bệnh này.
Bác sĩ Đức cũng cho biết, nhiều thai phụ không biết có bệnh tim. Và khi được bác sĩ thông báo là có bệnh này, cần mổ tim trước khi sinh hoặc cho sinh sớm để bảo vệ tính mạng của người mẹ thì họ đã bất ngờ, thậm chí bỏ về vì cảm thấy “người vẫn bình thường, sao lại phải mổ tim”. Đó là do thai phụ đã có bệnh tim (mắc phải hay bẩm sinh) từ trước nhưng không có biểu hiện gì. Chỉ đến khi mang thai, dơ sự thay đổi lớn trong cơ thể, những triệu chứng của bệnh mới bộc lộ rõ, nhất là trong bốn tháng cuối. Thai phụ có một số triệu chứng như khó thở, nặng ngực, mệt mỏi, thở dốc… và thường cho rằng đó là do thai lớn.
Thai phụ có bệnh tim sẽ thiếu oxy mãn tính khiến thai nhi phát triển không tốt, dễ bị sẩy thai, sinh non, thai chết lưu. Nếu bệnh ở giai đoạn nặng, phải mổ tim trong lúc mang thai hoặc bỏ thai, cho sinh sớm… để cứu mẹ. Bệnh tim trên thai phụ thường khó phát hiện nếu không được bác sĩ dành thời gian hỏi bệnh và thăm khám kỹ, hay không có kinh nghiệm khám tim phổi cho thai phụ.
Đối với tiểu đường, nếu thai phụ đã có bệnh trước đó thì phải điều trị đường huyết ổn định rồi mới được có thai. Nếu không, khi sinh trẻ sẽ có nguy cơ bị dị dạng. Nguy cơ mắc tiểu đường khi mang thai thường hay xảy ra ở những người sống trong gia đình có tiền căn bệnh tiểu đường, thai to, trước đó hay sẩy thai, sinh non, thai chết lưu hoặc con chết trong khi chuyển dạ.
Để phòng ngừa, phát hiện sớm và có phương pháp điều trị thích hợp các bệnh trên, cần thăm khám trước khi quyết định mang thai; nếu có thai thì đi khám thai sớm, tuân thủ theo lịch trình qui định. Các cơ sở y tế cần hỏi và thăm khám một cách toàn diện để phát hiện sớm những bệnh lý kèm theo.
Để phát hiện sớm tiền sản giật, tốt nhất là đi khám thai sớm. Trường hợp tiền sản giật nhẹ có thể điều trị tại nhà, ăn nhạt, nghỉ ngơi với tư thế nằm nghiêng để giúp máu qua thai nhi dễ dàng hơn. Khám thai hai lần/tuần để kiểm tra huyết áp, xét nghiệm nước tiểu và kiểm tra tình trạng phát triển của thai nhi. Nếu bị tiền sản giật nặng, phải chấm dứt ngay bệnh bằng việc sinh thai nhi ra, ngay cả khi thai nhi còn non tháng để tránh nguy cơ biến chứng nặng và tử vong cho mẹ.
Để phát hiện sớm thai phụ có bệnh tim, bác sĩ Đức khuyên phụ nữ trước khi lập gia đình và có ý định sinh con nên khám sức khỏe tổng quát. Nếu không, khi có thai, cần đi khám thai sớm. Tùy theo tình trạng bệnh lý (hở van hai lá, hẹp hai lá…) và mức độ ảnh hưởng đến tim khi mang thai, bác sĩ sẽ quyết định điều trị nội khoa, phẫu thuật tim sớm cho mẹ, tiếp tục hay phải chấm dứt thai kỳ. Đây là một công việc cần được sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa sản và nội tim mạch.
Đối với bệnh tiểu đường, có thể phát hiện sớm bệnh và sàng lọc vào tuần thứ 28-32 của thai kỳ. Bệnh này hiện đã có phác đồ điều trị tốt: tiết chế thức ăn hoặc điều trị bằng thuốc insulin. Nếu không tầm soát, thai nhi có thể chết lưu hoặc thai to dẫn đến sinh khó, gây sang chấn (kẹt vai khi sinh, chuyển dạ kéo dài), mẹ phải sinh mổ… Những người bị bệnh tiểu đường sau khi sinh cần được theo dõi đường huyết 3-6 tháng…
(Theo Tuổi Trẻ)