Khi em bé chào đời thì các bậc làm cha làm mẹ thường rất hạnh phúc và chỉ chú ý tới cân nặng của bé là bao nhiêu, vẻ bề ngoài có gì đặc biệt không mà ít ai trong số họ có các câu hỏi như: Bé có thể có những nguy cơ bệnh tật gì sau sinh? Tại sao phải đi khám sau sinh cho bé? Việc thăm khám đó có thực sự quan trọng không? Nếu khám thì khám vào thời điểm nào trong giai đoạn phát triển của bé? Nếu không khám có nguy hiểm gì không? Trước khi đi khám cần chuẩn bị gì những gì?
Để phần nào lý giải cho các ông bố bà mẹ được hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc đưa bé đi khám sau sinh, chúng tôi xin trình bày như sau:
Tại sao chúng ta phải đưa bé đi khám sau khi sinh?
Đưa bé đi khám bác sỹ chuyên khoa Nhi là để phát hiện ra bệnh nguy hiểm cần thiết phải can thiệp sớm nếu không sẽ nguy hiểm tới tính mạng hoặc ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe của em bé như: không có hậu môn, tắc ruột sơ sinh, các dị dạng bẩm sinh: thoát vị hoành, vàng da sơ sinh, tắc tuyến lệ, điếc bẩm sinh, khớp háng, khoèo chân bẩm sinh, các bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ.
Trong thời kỳ mang thai cũng như những tháng đầu sau sinh, bé được sự bảo vệ của buồng tử cung và hệ thống miễn dịch của mẹ. Tuy nhiên kể từ khi chào đời, bé bắt đầu tiếp xúc trực tiếp với môi trường, nên các bậc cha mẹ cần được tư vấn về cách chăm sóc và phát hiện các dấu hiệu bất thường của bé ngay từ những ngày đầu tiên sau sinh.
Các bậc cha mẹ nên đưa bé đi khám vào thời gian nào là tốt nhất?
Thời điểm khám cho bé cũng rất quan trọng. Khám quá sớm ngay trong ngày đầu sau khi sinh là thời điểm chưa phù hợp, trừ một số trường hợp đặc biệt. Các bậc cha mẹ nên đưa bé đi khám vào thời điểm ngày thứ 4 sau sinh để được nhân viên y tế kiểm tra một số chỉ số như:
- Đo vòng đầu, thóp – một trong các thông số đánh giá sự tăng trưởng dung lượng não của bé.
- Da, miệng, mắt, tai: phát hiện sớm các tình trạng nhiễm khuẩn.
- Tim phổi: đánh giá sự phát triển về hô hấp, phát hiện những bệnh bẩm sinh có thể có
- Bụng, bộ phận sinh dục ngoài: có thể phát hiện những bất thường cơ quan sinh dục ở cả bé trai, bé gái
- Khớp háng: Có thể phát hiện được bất thường, điều chỉnh sớm tránh sau này đi lại khó khăn
- Chân: có thể có 1 số dị tật như khoèo chân, chân chữ “O”
- Cột sống
- Test Guthrie: phát hiện phenylketonuria (chậm phát triển tinh thần, suy giáp trạng)
Những thông số đó giúp bác sỹ đánh giá được tình trạng sức khỏe của bé sau khi sinh cũng như phát hiện sớm các bất thường có thể ảnh hưởng tới sự phát triển sau này của em bé.
Những dấu mốc nào quan trọng mà cha mẹ cần cho bé đi khám?
Ở ngày thứ 4 và các tháng thứ một, hai, ba, bốn, chín và khi bé tròn 1 tuổi là những thời điểm cần đưa bé đi khám. Đây vừa là những dấu mốc quan trọng về phát triển tinh thần, vận động, vừa là sự cần thiết của tiêm chủng và đánh giá các dị tật bẩm sinh của bé. Nếu được phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của bé thì sự chăm sóc, can thiệp sẽ giúp ích kịp thời để bé có được một sức khỏe, thể trạng tốt cho tương lai.
Không đưa bé đi khám sau sinh có nguy hiểm gì không?
Nếu không đưa bé đi khám kịp thời thì sẽ không phát hiện ra những bệnh nguy hiểm hoặc những dấu hiệu nghiêm trọng ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như có nguy cơ đe dọa tính mạng của bé, do đó sẽ khó điều trị hoặc có thể dẫn đến những di chứng nặng nề, làm ảnh hưởng tới chất lượng sống không chỉ của bé mà của cả gia đình, nhờ đó giảm được thời gian, chi phí, đồng thời mang lại hiệu quả điều trị cao hơn.
Những kiến thức cần biết cho cha mẹ để chăm sóc tốt bé sau sinh
- Nếu người mẹ đẻ thường và không bị bệnh tật thì vệ sinh mắt, mũi cho bé hàng ngày (2 lần/ngày), tắm bé hàng ngày, phát hiện các triệu chứng cần đưa bé đến khám bác sỹ.
- Nếu người mẹ đẻ thường và bị bệnh đường sinh dục, có thể kèm theo sốt, thì nên theo dõi sát mắt, mũi của bé, cần khám bác sỹ Nhi ngay sau đẻ.
Những biểu hiện bất thường của bé – Cha mẹ nên biết!
Trẻ nhỏ không giống như người lớn, bé không thể nói ra những biểu hiện hay dấu hiệu bất thường của bản thân mình, do vậy các bác sỹ khuyến cáo cha mẹ cần biết một số biểu hiện bất thường của bé cần theo dõi:
- Tiếng khóc: khóc nhiều hơn thường ngày, âm lượng khóc có xu hướng to dần lên
- Giấc ngủ: Bé ngủ nhiều hơn, kíc thích hơn hoặc không chịu ngủ
- Tiêu hoá: Bé bú kém hơn bình thường, bị nôn hoặc trớ nhiều hơn…
- Tiết niệu: Bé đi tiểu ít hơn ngày thường, màu sắc nước tiểu khác với ngày thường..
- Hô hấp: Bé thở nhanh hơn ngày thường, lồng ngực có biểu hiển rút lõm hoặc có rút khi thở, có âm kèm theo khi thở hoặc ho….
- Da, niêm mạc bé: Da bé có thay đổi mài không, có bị sốt hay hạ thân nhiệt không…
Trước khi đi khám, cha mẹ của bé cần chuẩn bị những gì?
Nhiều bậc cha mẹ ung dung đưa con đi khám mà không có bất cứ băn khoăn hay thắc mắc một vấn đề nào nhưng khi khám xong mới nhận ra mình chưa có sự chuẩn bị đầy đủ cho buổi khám. Do vậy mà các bác sỹ khuyên nên làm như sau:
Hãy chuẩn bị những câu trả lời cho các câu hỏi mà bác sỹ đặt cho Bạn?
– Vì sao con bạn đến khám?
– Triệu chứng như thế kéo dài lâu chưa, biểu hiện nào xuất hiện trước?
– Các thuốc đã dùng ở nhà? Các triệu chứng có thay đổi gì sau khi dùng thuốc không?
Sau khi khám với bác sỹ nên theo dõi tình trạng sức khỏe của bé, đặc biệt là sự cải thiện của những dấu hiệu bất thường. Nếu có vấn đề bất thường khác hoặc tình trạng của bé nặng lên thì cần cho trẻ đi khám lại ngay.
Nếu chúng ta yêu thương và muốn chăm sóc tốt cho bé thì các bậc cha mẹ hãy chuẩn bị thật tốt cho mình những hiểu biết về tầm quan trọng của khám sức khỏe cho bé sau khi sinh ở thời điểm 4 ngày đầu tiên của bé.
Chúng tôi xin gửi một thông điệp tới các bậc cha mẹ đang chăm sóc bé yêu: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”