Như bài viết trước các bạn đã biết Vì sao các bà bầu phải đi siêu âm thai? Siêu âm vào các mốc nào? Và ý nghĩa của siêu âm Quý I. Lần này là ý nghĩa của siêu âm Quý II, Quý III.
Siêu âm hình thái học nhằm phát hiện một số dị dạng về hình thái của thai nhi và có thể quan sát hình thể bên ngoài cũng như các cơ quan bộ phân bên trong thai nhi.
Quý II, Quý III này là lần siêu âm bắt buộc vì ở tuổi thai này về mặt hình thể bên ngoài cũng như bên trong (các cơ quan nội tạng) đã tương đối hoàn thiện về mặt giải phẫu và cấu trúc. Chính vì sự hoàn thiện này mà phụ nữ mang thai cần phải đi siêu âm để phát hiện được các bất thường một cách sớm nhất. Nếu đi siêu âm sớm hơn hoặc muôn hơn thời điểm này thì sẽ khó quan sát được những dị tật thai nhi. Ngoài ra, siêu âm ở thời điểm này do lượng nước ối khá nhiều, thai nhi thì nhỏ, cử động thoải mái trong buồng tử cung nên rất dễ quan sát về mặt hình thái.
Thời gian siêu âm của Quý II là từ 21 – 24 tuần thường là 22 tuần, còn siêu âm Quý III khi thai nhi được 32 tuần. Hiện nay theo nghiên cứu của các trung tâm chẩn đoán trước sinh thường tiến hành siêu âm sớm ở mốc 18 tuần có thể phát hiện bất thường về tim mạch.
Ở các tuần thai này các bà bầu sẽ nhìn thấy con mình tương đối rõ trên màn hình siêu âm. Giới tính ở độ tuổi này cũng rõ ràng nhưng mục đích chính của lần siêu âm này là kiểm tra sự bất thường của thai nhi. Ngoài ra còn đánh giá sự phát triển của thai nhi thông qua đo chu vi vòng đầu của thai nhi, tính tuổi thai..v.v
Ở mốc siêu âm này bác sỹ sẽ kiểm tra tổng thể từ đầu đến chân và từ ngoài vào trong thai nhi:
* Đầu thai nhi: Là vị trí đầu tiên nghiên cứu bằng siêu âm giúp phát hiện kiểm tra hình ảnh của xương sọ, số đo của đầu, cấu trúc não, số đo vòng đầu..v.v…..siêu âm còn quan sát phần mặt thai nhi: Hai hốc mắt, mũi, miệng (môi trên và môi dưới đều và liên tục) và cằm thai nhi. Các bất thường về đầu thai nhi: gồm có bất thường hình thái, cấu trúc não bộ. Các bất thương vùng mặt thai nhi: sứt môi, khe hở vòm miệng, mũi vòi voi, các khối u vòm mặt.
* Các bất thường cột sống: Thoát vị cột sống: Là khối thoát vị não, màng não ở vùng cột sống do các đốt sống mở ra. Siêu âm có thể chẩn đoán ở tuần thai 22.
* Lồng ngực: Quan sát được hình ảnh tim thai và hình ảnh phổi: Tim nằm ở nửa trái của lồng ngực, gồm 4 buồng kích thước tương đối bằng nhau, 2 tâm nhĩ ở trên, 2 tâm thất ở dưới. Hình ảnh các mạch máu lớn: Động mạch chủ, động mạch phổi. Bao quanh tim, trong giai đoạn bào thai phổi chưa hoạt động.
Ở tuần thai này chúng ta có thể thấy được một số bất thường về tim và phổi của trẻ như: Dị dạng tim, giãn tim toàn bộ, bất thường kich thước của buồng tim và các mạch máu lớn: động mạch chủ, động mạch phổi, các khối u tim, tràn dịch màng phổi, tắc thanh quản…
* Ổ bụng: Có thể quan sát được cơ hoành, dạ dày, thận từ tuần thai 14, quan sát được rõ cấu trúc từ tuần 25. Ở phần thấp của ổ bụng có bàng quang, nằm trong tiểu khung, nếu chứa nước tiểu cũng trông giống như là một quả bong bóng mầu đen. Ở tuần thai này có thể phát hiện được một số dị dạng tại ổ bụng như: Dị dạng của thành bụng có thể quan sát được bằng siêu âm từ 12 tuần trở đi; thoát vị rốn, khe hở thành bụng. Phần thấp của ổ bụng có thể gặp dị dạng của bàng quang lộn ngoài. Về phía cơ quan tiêu hóa có thể các dị dạng như teo thực quản, tắc tá tràng bẩm sinh, tắc ruột non, tắc đại tràng, dị dang hậu môn trực tràng. Dị dạng của tiết niệu – sinh dục: không có thận, thận đa nang, ứ đài bể thận…
* Các chi: Các mầm chi được hình thành vào tuần thứ 4. Toàn bộ chi hình thành vào tuần thứ 7. Có 4 chi, mỗi chi có 3 đoạn, đủ 5 ngón tay và 5 ngón chân. Bàn chân vuông góc với cẳng chân. Các dị dạng chi: lùn ngắn tứ chi, bàn tay, bàn chân vẹo, bàn tay thiếu hoặc thừa ngón, phù thai: tràn dịch ít nhất 2 màng của thai nhi, hoặc các loại u: U buồng trứng, u quái, u bạch mạch…
* Ngoài ra, phần phụ của thai cũng cần được tầm soát cẩn thận: Bánh rau, dây rốn, nước ối.
– Bánh rau: Trước tuần 20 thường bánh rau bám thấp, sau 20 tuần bánh rau có xu hướng di chuyển dần lên cao. Bất thường của bánh rau: Rau tiền đạo, rau bám thấp, bánh rau dày, nhồi máu, tụ máu, tắc mạch khoang liên gai, các khối u…
– Dây rốn: Là nơi trao đổi chất cung cấp sự sống cho thai nhi. Dây rốn bình thường có hai động mạch và một tĩnh mạch.
– Nước ối: Nằm ở trong khoang màng ối, được bao quanh phôi thai từ sau 4 tuần tuổi, nước ối cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất và là môi trường phát triển của thai nhi. Các cơ quan sản sinh ra nước ối là hệ tiết niệu – đây là nguồn sản sinh chủ yếu. Ngoài ra còn có sự bài tiết của cơ quan hô hấp. Cơ quan tiêu thụ nước ối: sự tiêu hóa nước ối được bắt đầu vào tuần thai từ 18 – 20 tuần. Ngoài ra, da của thai nhi, màng ối và dây rốn cũng tiêu thụ một lượng nhỏ.
Siêu âm ở tuần thai này giúp quan sát về màu sắc và số lượng nước ối. Các bất thường nước ối: Đa ối, thiểu ối, vách ngăn màng ối cũng có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi (màng ối quấn vào tay, chân hoặc ngón tay, ngón chân thai nhi)
* Ngoài ra siêu âm Quý II và III còn đánh giá sự phát triển của thai nhi thông qua siêu âm Doppler động mạch rốn, động mạch tử cung người mẹ hay các bệnh lý mạch máu thai nhi, Doppler mạch não, mạch gan…
Còn rất nhiều các bất thường khác có thể gặp vì vậy cần phải thăm khám siêu âm một cách tỷ mỷ, cẩn thận và có hệ thống.
Điều này một lần nữa nói lên tầm quan trọng của siêu âm chẩn đoán trước sinh là không thể thiếu trong quá trình khám, theo dõi và tiên lượng thai. Đặc biệt ngày nay tỷ lệ dị tật thai nhi ngày càng tăng do môi trường sống bị ô nhiễm, do hóa chất độc hại từ thực phẩm, do các bệnh mắc phải của người mẹ trong khi mang thai…
Chính vì vậy để có một đứa con khỏe mạnh trước khi sinh ra, tất cả các phụ nữ có thai phải được khám và tư vấn thai ngay từ đầu, điều này phụ thuộc rất nhiều vào trình độ và sự hiểu biết của chị em phụ nữ khi mang thai.
Chúc cho các bà mẹ của chúng ta đủ sức khỏe và kiến thức đón em bé chào đời!