Trước đó Bạn đọc đã được cung cấp phần nào kiến thức về bệnh lý Đái tháo đường (ĐTĐ), và để tiếp nối chuỗi kiến thức đó Vietlife xin gửi tới tiếp những thông tin về biến chứng & cách theo dõi các biến chứng gây ra bởi bệnh ĐTĐ.
Những biến chứng có thể hay gặp như nhiễm trùng do khả năng đề kháng giảm, biến chứng bàn chân, biến chứng tim mạch (nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim và biến chứng tim mạch khác…, biến chứng hạ đường máu do chế độ ăn không phù hợp, biến chứng trên mắt. Biến chứng thận là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến bệnh nhân có thể phải chạy thận nhân tạo cà đời..
ĐTĐ và chăm sóc bàn chân
Nhiễm trùng bàn chân là 1 vấn đề được xếp riêng thành một mảng lớn trong các biến chứng của ĐTĐ. Những lý do quan trọng sau đây phần nào có thể giúp người bệnh nhận biết biến chứng bàn chân:
- Mất cảm giác, tê bì, kiến bò…
- Vết thương lâu lành do lưu thông máu kém
- Dễ nhiễm trùng, bội nhiễm nhiều cơ quan như da, răng miệng..
Lời khuyên của bác sỹ giúp người bệnh ĐTĐ chăm sóc bàn chân:
Nên:
- Kiểm tra bàn chân hàng ngày khi thấy đau nhức, phồng dộp da, các vết bầm tím, vết khô ửng đỏ, vết nứt trên da.
- Rửa chân mỗi ngày với nước ấm (thử nước bằng khuỷu tay)
- Lau khô bàn chân, đặc biệt là giữa kẽ các ngón chân. Với da khô nên sử dụng kem dưỡng da
- Luôn đi giày, dép vừa chân, mềm, có miếng lót sạch sẽ, trước khi đi dùng tay kiểm tra phần bên trong giày, dép
Không nên:
- Không bao giờ để nước nóng hay những miếng lót nóng lên chân của bạn
- Không nên dùng kem giữ ẩm giữa các ngón chân, có thể sử dụng phấn bột khi chân đổ mồ hôi.
- Tuyệt đối không cắt phần chai, dùng băng dán hay tự ý bôi thuốc khi chưa có chỉ định của bác sỹ.
- Không đi giày, dép quá chật
- Không đi chân trần đặc biệt trên bãi biển
Khi bàn chân bị tổn thương chúng ta sẽ chăm sóc như thế nào?
- Đầu tiên, hãy rửa sạch bàn chân với xà phòng nhẹ và lau khô sau đó dùng thuốc sát khuẩn, khôngdùng iod, thuốc tẩy mạnh hoặc acid boric, nếu có băng bó thì sử dụng gạc nhỏ và băng dán không dị ứng.
- Thứ hai, hãy dành 20 phút mỗi ngày để kiểm tra bàn chân vài lần trong ngày.
- Thứ ba, hãy trang bị cho mình một bộ chăm sóc bàn chân gồm: miếng đá mài hay bột mài vết chai hoặc dụng cụ phù hợp, kem giữ ẩm cho da khô, bột dành cho bàn chân, băng dán hoặc gạc nhỏ.
ĐTĐ và biến chứng về mắt
theo thông tin thống kê từ số tạp chí trước, có 50% mù lòa là đục thủy tinh thể gây nên bởi bệnh ĐTĐ, hoặc những biến chứng khác của mắt như tăng nhãn áp, tổn thương võng mạc..
Đối với bệnh nhân ĐTĐ thì chăm sóc mắt là cần thiết vì đây là nguyên nhân đứng thứ 3 dẫn đến mù lòa ở người trưởng thành, vì thường không có dấu hiệu cảnh báo trước mà chỉ thấy tình trạng suy giảm thị lực. Một số rối loạn thị lực có thể gặp bệnh nhân ĐTĐ:
- Nhìn mờ, nhìn đôi (Tổn thương võng mạc).
- Các đốm trước mắt, mắt kéo màn (Tình trạng Đục thủy tinh thể)
- Mắt đỏ rát, đau do tăng áp lực ở trong mắt (Glaucoma – Thiên đầu thống).
Điều quan trọng với bệnh nhân đái tháo đương là cần kiểm soát tốt đường huyết & huyết áp, đơn giản hơn nữa hãy kiểm tra thị lực định kỳ theo các lần khám sức khỏe, khi đã mắc ĐTĐ hãy kiểm tra mắt thường xuyên hơn 3 – 6 tháng/lần.
ĐTĐ và những nguy cơ về hạ đường máu
Khi bị ĐTĐ, chúng ta nên học cách đối phó với những vấn đề đi kèm cùng bệnh trong đó có hạ đường huyết – tình trạng đường trong máu thấp hơn mức bình thường.
Những dấu hiệu cảnh báo giúp bạn nhận biết biến chứng hạ đường huyết như:
- Hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi bất thình lình
- Buồn nôn, lo âu
- Đổ mồ hôi
- Nhìn mờ hoặc nhìn đôi
- Tim đập nhanh, mạnh
Như chúng ta đã biết, ĐTĐ là tình trạng rối loạn bệnh lý làm tăng đường máu của người bệnh, ĐTĐ không phải là nguyên nhân trực tiếp gây tử vong hoặc làm giảm tuổi thọ, giảm chất lượng sống của người bệnh mà chính các biến chứng của đái tháo đường mới là nguyên nhân trực tiếp. Vì vậy, cần phòng tránh các biến chứng của ĐTĐ.
Cách tốt nhất giúp bạn kiểm soát mọi biến chứng là hãy tuân thủ chế độ điều trị hợp lý, cần theo dõi đường máu, kiểm tra đường máu định kì, kiểm tra và phòng các biến chứng có thể phòng được như nhiễm khuẩn bàn chân, biến chứng mắt.…
Hãy chăm sóc cơ thể của bạn. Hãy liên hệ bác sỹ khi bạn có bất cứ băn khoăn nào về sức khỏe!
Chúc các bạn tuần mới vui khỏe!