Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trẻ em được tính từ 0 – 18 tuổi và chia thành 5 giai đoạn như sau: Sơ sinh từ 0 – 1 tháng tuổi, Trẻ bú mẹ từ 1 – 23 tháng tuổi, Trẻ tiền học đường 2 – 5 tuổi, Trẻ nhi đồng tù 6 – 12 tuổi và trẻ vị thành niên 13 – 18 tuổi:
1. Thời kì “tiền học đường”
Giai đoạn này tiếp ngay sau giai đoạn nhũ nhi, khi trẻ trong độ tuổi từ 2 – 5. Trẻ bắt đầu được làm quen với trường lớp, cô giáo và bạn mới. Thời kỳ này, cơ thể bé vẫn phát triển nhưng bắt đầu chậm lại. Chức năng cơ bản của các bộ phận dần hoàn thiện, chức năng vận động và hệ cơ phát triển nhanh, trẻ có khả năng phối hợp động tác nhanh hơn. Bé đã bắt đầu biết tự đi một mình, chạy, vẽ, viết, tự xúc thức ăn, rửa tay, rửa mặt… Trí tuệ trẻ phát triển nhanh, đặc biệt về ngôn ngữ. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, miễn dịch thụ động từ người mẹ chuyển sang giảm nhiều nên trẻ hay mắc các bệnh như cúm, ho gà bạch hầu, rối loạn tiêu hoá, còi xương và các bệnh về thể tạng. Thời điểm này, bé bắt đầu xuất hiện các bệnh có tính chất dị ứng như hen phế quản, nổi mề đay, viêm cầu thận cấp… Tiêm phòng vaccine đầy đủ sẽ giúp bé có thể hạn chế được một số bệnh. Ngoài ra, việc giáo dục thể chất và tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển tâm sinh lý của trẻ đóng một vai trò hết sức quan trọng. Thời kỳ này đa phần trẻ thường rất hiếu động nên bố mẹ cũng cần cẩn trọng đề phòng để tránh các tai nạn như ngã gây chấn thương, bỏng, ngộ độc…
2. Thời kỳ nhi đồng
Thời kỳ này được tính trong khoảng 6 – 12 tuổi, lúc này trẻ vẫn tiếp tục lớn nhưng đã chậm hơn, răng sữa được thay thế bằng răng vĩnh viễn, các cơ quan cũng đã hoàn chỉnh về cấu tạo và chức năng. Vỏ não đã hoàn toàn biệt hóa, các chức năng phát triển mạnh và phức tạp hơn, trẻ đã biết suy nghĩ, phán đoán và trí thông minh cũng dần phát triển.
3. Trẻ vị thành niên
Giai đoạn này còn được gọi là giai đoạn tiền dậy thì với tốc độ tăng trưởng nhanh. Tuổi dậy thì được giới hạn khác nhau tùy theo giới, môi trường và hoàn cảnh kinh tế – xã hội, trẻ gái thường bắt đầu từ lúc 13 – 14 tuổi, kết thúc vào 17 – 18 tuổi; trẻ trai thường bắt đầu từ 15 – 16 tuổi, kết thúc lúc 19 – 20 tuổi. Trong giai đoạn này, chức năng các tuyến sinh dục hoạt động mạnh, biểu hiện bằng sự xuất hiện các giới tính phụ như ở vùng xương mu, hố nách lông mọc nhiều. Ở em gái thì vú phát triển, bắt đầu có kinh, các em trai bắt đầu thay đổi về giọng nói (vỡ tiếng). Ngoài ra, các tuyến nội tiết như tuyến giáp, tuyến yên cũng hoạt động mạnh, tâm sinh lý như cảm xúc giới tính, tính khí, nhân cách cũng thay đổi. Trẻ có khuynh hướng sống tự lập, tính tự trọng cao, thích tham gia nhóm bạn cùng sở thích, đồng cảm băn khoăn về những biến đổi cơ thể; có ý thức về giới tính, nhạy cảm hơn, dễ lạc quan nhưng cũng dễ cáu giận, bi quan. Ở độ tuổi vị thành niên, các bệnh lý của trẻ hầu như giống người lớn. Ở trẻ thường xảy ra sự mất ổn định trong các chức năng của hệ giao cảm – nội tiết, nên thường có những rối loạn chức năng của nhiều cơ quan như hay hồi hộp, tăng huyết áp… Đặc biệt trong giai đoạn này, khi chăm sóc trẻ cha mẹ cần quan tâm chú trọng tới giáo dục giới tính. Tuy có 5 thời kì phát triển nhưng ranh giới giữa các thời kỳ đôi khi không rõ ràng và thường xen kẽ nhau. Vì vậy nắm vững và nhận biết rõ đặc điểm của mỗi thời kỳ sẽ giúp bạn có điều kiện chăm sóc trẻ một cách toàn diện hơn. Bên cạnh chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt khoa học, tiêm chủng đầy đủ, thăm khám bác sỹ kịp thời khi ốm đau, thì việc theo dõi sức khỏe định kỳ cho trẻ là một điều hết sức cần thiết. Khám sức khỏe định kỳ giúp bạn chủ động theo dõi quá trình phát triển của trẻ, phát hiện sớm bệnh, từ đó điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý và có hướng điều trị phù hợp nếu cần. Chính sự chăm sóc và tình yêu của bạn là điều kiện tốt nhất để con phát triển và khôn lớn.